I. Vì sao phải thiết kế trục vít máy ép nhựa?
Đây là câu hỏi đầu tiên xuất hiện khi nói về vấn đề này bởi vì khách hàng khi mua máy ép nhựa của hãng máy ép thì không cần quan tâm tới việc thiết kế do nhu cầu đó đã được hãng máy ép nhựa đáp ứng. Vậy nhu cầu cần thiết kế trục vít máy ép nhựa xuất hiện trong các trường hợp nào?
1. Thay đổi chủng nhựa sản xuất.
Có rất nhiều chủng nhựa khác nhau trên thị trường, mỗi loại có các đặc tính khác nhau nên cũng sẽ cần các trục vít có thiết kế khác nhau để phù hợp cho từng loại.
Nếu thiết kế không phù hợp thì có thể xảy ra lỗi không lấy được nhựa; thời gian lấy nhựa không đều; nhựa chưa đạt độ chín khi phun vào khuôn….
2. Nâng nòng trục vít / Hạ nòng trục vít.
Thay đổi đường kính và chiều dài trục vít thì buộc phải thiết kế lại.
3. Thiết kế cũ chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Trục chưa có chức năng trộn màu mà bắt đầu sản xuất sản phẩm màu
Nhựa bám dính vào trục vít gây ra lỗi vết đen trên sản phẩm
Thời gian lấy nhựa chậm, không thấy được nhựa
4. Thiết kế cũ chưa đảm bảo độ bền
Nhanh mòn, gẫy
II. Thiết kế trục vít máy ép nhựa
II.1 Chức năng của trục vít máy ép nhựa
Trục vít máy ép nhựa là một linh kiện quan trọng trong máy ép nhựa. Nó có dạng xoắn ốc giúp chuyển nguyên liệu ở dạng hạt từ lỗ xuống nhựa tới đầu phun ở dạng lỏng.
Tham khảo video sau để hiểu rõ về công dụng
II.2 Cấu tạo của trục vít máy ép nhựa
Trục vít cơ bản có cấu tạo bao gồm 3 phần:
🔹 Phần xoắn vít
Phần xoắn vít là đoạn có hình xoắn vít bao gồm 3 vùng là vùng cấp liệu, vùng nén, vùng định lượng
– Vùng cấp liệu: Nhiệm vụ là đẩy các hạt nhựa từ lỗ xuống nhựa đi vòng nòng xi lanh
– Vùng nén: Nhiệm vụ là nén thể tích nhựa từ thể tích lớn về thể tích bé hơn (do nhựa thay đổi từ cấu trúc dạng các hạt xếp chồng thành nhựa nóng chảy)
– Vùng định lượng: Nhiệm vụ là ổn định cấu trúc của khối chất lỏng để chuẩn bị quá trình phun vào khuôn.
Tùy theo loại nhựa mà tỉ lệ chiều dài của các đoạn này so với đường kính sẽ khác nhau, tỉ số nén của vùng nén cũng tương tự.
🔹 Phần ren & lỗ định tâm
– Phần ren dùng để lắp ráp đầu tên lửa vào trục vít
– Phần lỗ định tâm để định tâm đầu tên lừa và trục vít, hạn chế hiện tượng đảo khi quay của đầu tên lửa.
🔹 Phần chuôi & then
Phần này để kết nối và truyền động với ụ máy
Để xử lý chuyển động quay thì cần tới phần then (có nhiều loại then khác nhau theo thiết kế của nhà sản xuất, phổ biến là then bằng, then hoa chữ nhật, then hoa thân khai…)
.
III. Thiết kế trục vít máy ép nhựa
Bước 1: Làm rõ vấn đề gặp phải: Làm rõ lý do phải thiết kế trục vít theo các lý do đã nhắc tới ở phần I.
Bước 2: Tùy theo từng vấn đề mà sẽ xác định cách xử lý khác nhau
2.1. Thay đổi loại nhựa, trục hiện tại không đáp ứng được chế độ ép.
Trường hợp này xảy ra khi 2 loại nhựa trước và sau khác nhau quá nhiều về đặc tính
Ví dụ như đang sản xuất nhựa ABS làm đồ gia dụng chuyển sang nhựa PET sản xuất dây thít ➜ sẽ không thể sản xuất ra dây thít đạt yêu cầu
➜ Thiết kế lại phần xoắn vít để phù hợp với loại nhựa mới
2.2. Chuyển sang ép nhựa màu, trục hiện tại bị loang màu
Do trục hiện tại chưa có chức năng trộn nhựa dẫn tới màu chưa trộn đều.
➜ Thiết kế mới, bổ sung thêm rãnh xoắn phụ và đoạn múi khế để tăng khả năng trộn nhựa
2.3. Thời gian lấy nhựa không đều
Tương tự mục 2.1; do thiết kế chưa phù hợp nên xảy ra lỗi
2.4. Nhựa bám vào trục vít gây ra lỗi vết đen trên sản phẩm
Do thiết kế và công nghệ hoàn thiện bề mặt gây ra. Thiết kế có các điểm lưu đọng nhựa dẫn tới bị than hóa và gây ra lỗi.
Do nhựa có độ bám dính lớn, bề mặt trục vít chưa đạt độ trơn nhẵn nên nhựa bám vào nhiều gây than hóa.
➜ Thay đổi thiết kế để không có phần gây lưu đọng nhựa, chọn phương pháp hoàn thiện bề mặt phù hợp.
2.5. Nâng / Hạ đường kính trục
Thay đổi đường kính có kèm với thay đổi loại nhựa sử dụng không? Nếu không thay đổi loại nhựa thì giữ nguyên kiểu thiết kế, chỉ thay đổi đường kính tương ứng. Nếu thay đổi cả loại nhựa có đặc tính khác thì cần thay đổi toàn bộ thiết kế.
Lưu ý, thay đổi đường kính trục vẫn phải đáp ứng kích thước lắp ráp nguyên bản (một số trường hợp sẽ sử dụng bích trung gian)
Để hiểu rõ hơn về trường hợp nâng hạ nòng xin hãy tham khảo tại bài viết nâng hạ nòng trục vít tại phần bài viết liên quan bên dưới.
Bước 3: Thiết kế trục vít mới để đáp ứng các yêu cầu đã đưa ra
3.1. Các thông số liên quan tới phần xoắn vít
.
– Tỉ lệ L/D (Chiều dài phần xoắn chia đường kính), tỉ lệ này từ 14 tới 26 tùy thuộc vào từng loại nhựa. Tỉ lệ 20.5 là tỉ lệ tương đối phổ biến.
– Tỉ lệ giữa các phần xoắn. Chiều dài giữa phần lấy nhựa; phần nén; phần định lượng, tỉ lệ này cũng tùy thuộc vào các mã nhựa
– Tỉ lệ nén = (Đường kính ngoài – đường kính trong vùng cấp liệu) / ((Đường kính ngoài – đường kính trong phần định lượng). Tỉ lệ này trong khoảng từ 2 đến 4, phổ biến là 2,5
– Thể tích lấy nhựa cho 1 vòng xoắn: Thông số này liên quan tới tải trọng mà trục vít phải chịu xoắn và cũng liên quan tới tốc độ cấp liệu của trục.
3.2. Xoắn đôi và xoắn múi khế
Xoắn đôi thường thiết kế trong vùng định lượng khi mà nhựa đã hoàn toàn ở thể lỏng, tác dụng trộn lẫn ở đây sẽ phát huy tối đa
Xoắn múi khế sẽ ở vị trí đầu của trục, thường là 2 xoắn khế ngược nhau
3.3 Phần chuôi trục vít
Phần chuôi sẽ ít thay đổi do phải đảm bảo khả năng lắp ráp và truyền động. Thay đổi nhiều nhât là khi hạ đường kính trục vít do lúc đó không nên làm phần lắp ráp như trục nguyên bản vì nếu như thế phần chuôi sẽ lớn hơn đường kính phần xoắn dẫn tới không thể tháo trục vít ra để bảo dưỡng như cách thông thường (tháo adapter và kéo trục ra) mà phải tháo cả xi lanh xuống rồi tháo trục vít ra ở phía sau xi lanh.
Công ty TNHH Kỹ Thuật ASG Việt Nam là đơn vị chuyên xử lý các vấn đề về ép nhựa đã có hơn 10 năm kinh nghiệm. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc của bạn 24/7 theo Hotline 0917.54.88.11